AISAS là một mô hình hành vi tâm lý khách hàng khá phổ biến trong online marketing, và tôi vẫn đang sử dụng khá thành công trong một số lĩnh vực. Trong bài viết này, tôi sẽ mô tả kĩ hơn về mô hình AISAS, các bước để thực hiện mô hình, các công cụ marketing cần thiết cũng như đưa ra các ví dụ thực tế & dễ hiểu ở các bước trong mô hình này.
Mô hình AISAS là gì?
Bạn hãy xem hình bên dưới
Mô hình AISAS là gì
Theo như AISAS, hành vi đầy đủ của người dùng đối với 1 đối tượng (sản phẩm, dịch vụ, hiện tượng, thông tin,…) sẽ trả qua 5 bước:
Attention
Đầu tiên, người dùng phải chú ý đến đối tượng. Nếu họ không chú ý, thì chúng ta sẽ không có cơ may nào khiến họ quan tâm đến những gì chúng ta truyền đạt. Đơn giản chỉ vậy thôi. Đây là bước đầu tiên cần phải thực hiện, trước khi nghĩ đến những chuyện cao siêu hơn.
Attention
Có nhiều kĩ thuật cũng như công cụ marketing để chúng ta thực hiện bước này: đăng bài PR, forum seeding, viral marketing,…
Interest
Khi người dùng đã chú ý, hãy khiến họ cảm thấy thích thú hoặc quan tâm. Ở đây tôi thích dùng chữ “quan tâm” hơn “thích thú” vì đôi khi, không phải lúc nào bước này cũng mang nghĩa tích cực. Ví dụ, một cô ca sĩ tạo scandal để tràn ngập trên các báo thì người đọc sẽ “quan tâm” chứ không “thích thú”.
2 bước đầu tiên này trong mô hình AISAS được gộp chung lại là bước tạo sự quan tâm đối với người dùng.
Search
Đây là 1 bước mới hiện nay, thường không được nhắc đến trong những mô hình cũ trước đó. Sau khi người dùng quan tâm đến đối tượng, họ sẽ có nhu cầu đi tìm kiếm thêm thông tin về đối tượng đó (bản thân con người ta vốn tò mò mà!). Thông thường người dùng sẽ sử dụng công cụ tìm kiếm như Google (một vài người dùng Bing hoặc cái gì đó khác), hoặc một số cách khác như hỏi bạn bè, đồng nghiệp, sử dụng Facebook,…
Search là 1 bước rất quan trọng. Nó đứng ngay giữa mô hình AISAS, trước Action và liên quan trực tiếp đến chứ S cuối cùng – Share. Đây cũng là bước bạn bắt buộc phải làm thật tốt, và nó cũng cạnh tranh rất dữ dội trong một lĩnh vực tên là SEO.
Search
Kết quả của phần search này, họ sẽ tìm thấy được thông tin cần thiết, hoặc là một cái tên, một từ khóa, hoặc là một trang web (của chúng ta, hoặc là của… đối thủ!)
Action
Sau khi người dùng tìm thấy thông tin trong 1 trang web, họ sẽ có xu hướng hành động như: mua hàng, xem hàng, đi đến 1 liên kết trên trang, download phần mềm hoặc… rời bỏ trang. Muốn người dùng hành động thế nào, chúng ta phải tìm mọi cách điều hướng hành động của họ qua các CTA (Call-to-action, lời kêu gọi hành động). Ví dụ nhé:
Muốn họ download thì phải có một cái nút thật to rõ “Download ngay và luôn!”
Muốn họ mua hàng thì phải “thời gian khuyến mãi chỉ còn 5 phút nữa!”
Muốn họ nhấp vào liên kết thì phải “Hãy xem chúng tôi giúp bạn kiếm 100 triệu mỗi tháng như thế nào”
Đây là bước quan trọng nhất, vì nó chứng tỏ kết quả trong cả chiến lược marketing của bạn. Tôi đã gặp nhiều người, làm 3 bước AIS đầu tiên rất tốt nhưng lại không làm tốt bước Action này, nên tỉ lệ chuyển đổi rất thấp trong khi họ làm SEO tương đối tốt.
Share
social-media-share
Đây là 1 bước rất mới, chỉ xuất hiện với sự ra đồi của Social Media & Social Network.
Sau khi người dùng đã Action, người ta lại tiếp tục có xu hướng chia sẻ thông tin cho mọi người (con người ta cũng rất thích “tám”). Bước này ở Việt Nam thì giới trẻ làm rất kịch liệt!
Vừa mua con iPhone 5S, khoe ngay với đồng nghiệp “chụp ảnh cũng khá quá đấy chứ!”
Bước vào Starbucks, post ngay “nhìn dòng xe bên ngoài mà tôi thấy cuộc sống sao mà hối hả quá….”
Viết xong 1 bài trên Thủ thuật Marketing, chia sẻ ngay trên Facebook “dạo này bận quá, không có thời gian tìm hiểu những điều hay ho”
Kết hợp Search – Share
Một khi bạn đã chia sẻ, những người xung quanh bạn sẽ có được những thông tin về đối tượng mà bạn đã Action. Tức là, bạn đã làm giúp họ bước Attention + Interest.
Một ví dụ đơn giản nhé, sáng nay đồng nghiệp lên nói với tôi “bà Tưng hot quá anh ạ!” (tức là Share). Tôi chẳng biết gì về bà Tưng, nhưng cái tên khiến tôi chú ý (Attention) và quan tâm (Interest). Thế là tôi nhảy lên Google tìm kiếm ngay “bà Tưng” (Search), xem bài viết, xem clip, bình luận các kiểu (Action) rồi lại đi post lên Facebook “ôi nhìn đã quá nhỉ” (Share). Như thế, thông tin sẽ được người dùng lan truyền ra mà đối tượng không phải tốn công marketing nhiều nữa. Nó đã biến thành Viral Marketing hoàn hảo!
Kết
Thế là tôi đã đi qua 5 bước của mô hình AISAS. Mô hình này hoạt động tốt trong online marketing. Mỗi bước, chúng ta lại có những công cụ marketing và phương pháp marketing phù hợp với hành vi tâm lý của người dùng.
Lý thuyết chỉ đơn giản và ngắn gọn như vậy thôi! Bây giờ, hãy lấy giấy viết ra và bắt đầu phân tích các bước hành vi khách hàng của chính bạn, và bạn có cách nào để tiếp cận hành vi tâm lý của họ một cách phù hợp? Hãy cho tôi biết ý kiến của bạn nhé!