Dù sẵn sàng hay chưa, Facebook cũng sẽ sớm chuyển sang giao diện Timeline cho tất cả người dùng. Dưới đây là những điều bạn nên chuẩn bị.
Mark Zuckerberg lần đầu ra mắt giao diện Timeline vào tháng 9 năm nay, đây được xem là một bước tiến mới trong việc thay đổi trang cá nhân của người dùng trên mạng xã hội đông đúc nhất hiện nay.
Điểm mấu chốt của Timeline là Facebook lấy toàn bộ dữ liệu của người dùng đã đưa lên và sắp xếp lại như một quyển nhật ký điện tử, qua đó giúp họ và cả bạn bè sẽ dễ dàng trở lại những thời điểm cách đây vài tháng hoặc vài năm để xem các hình ảnh, bài viết cũ.
Dưới đây là 9 điều bạn cần biết khi chuyển sang giao diện Timeline.
1. Người dùng có 7 ngày để hiệu chỉnh:
Khi đã cập nhật lên Timeline, người dùng sẽ có 1 tuần để xem trước những nội dung trước khi Facebook cho phép bạn bè của họ xem được. Dĩ nhiên người dùng vẫn có thể chọn chuyển hẳn sang Timeline sớm hơn.
2. Ảnh bìa sẽ làm nhiều người chú ý:
Tại giao diện mới, bức ảnh cá nhân của người dùng sẽ chỉ còn là một hình vuông nhỏ, 5 bức ảnh mà họ thường được tag vào gần nhất ở giao diện cũ sẽ được bức ảnh bìa lớn hình chữ nhật (cover photo), giúp dễ dàng đăng tải hình ảnh chứa nhiều thông tin về cá nhân hơn. Thực tế là trong giai đoạn thử nghiệm Timeline, có khá nhiều người dùng đã có ảnh cá nhân kết hợp với ảnh bìa rất sáng tạo.
3. Không có thông tin mới được chia sẻ:
Thật vậy, mục đích của Timeline là dễ tra cứu những và cập nhật các thông tin cũ. Trước đây để xem lại các bài viết trong quá khứ trên Facebook thì người dùng cần kéo xuống dưới cùng trang và bấm vào nút View More (Xem thêm), điều này đôi khi khá bất tiện nếu như bạn cần kiếm bài cập nhật ở một tháng hay năm cụ thể, với Timeline bạn sẽ được chọn tìm kiếm theo thời điểm 3 tháng gần nhất, còn lại là tìm theo năm.
4. Những tùy chỉnh tại bài viết cũ sẽ được lưu trữ:
Một bài viết được chia sẻ dù cách đây hơn 4 năm được quy định là xem bởi bạn bè sẽ tiếp tục chỉ cho bạn bè xem. Có lẽ điều cần bận tâm ở đây là việc định nghĩa bạn bè có thể thay đổi theo thời gian, ví dụ một bức ảnh hay cập nhật trạng thái trong trường đại học là điều bình thường, tuy nhiên điều đó có thể sẽ không đúng lắm khi sau vài năm, có thể bạn bè đã bao gồm cả đồng nghiệp.
5. Cập nhật có thể được mở rộng:
Timeline sẽ cố gắng đoán bài viết nào của bạn sẽ là lý thú nhất bằng cách đếm số “thích” Like và số lượng phản hồi (comment) mà bài viết đó nhận được, khi đó nó sẽ ưu tiên đặt bài viết đó ở vị trí dễ xem nhất. Tuy nhiên nếu có bài viết bạn cần cho hiện mà không thấy, ví dụ thông tin bạn có việc mới hay đã tốt nghiệp thì bạn có thể chọn hiện nó lên.
6. Activity Log-nơi tốt nhất để điều chỉnh Timeline:
Facebook đã xây dựng một trang mới với tên gọi Activity Log, người dùng có thể truy cập vào từ trang cá nhân. Tại trang này bạn sẽ thấy hầu hết những hoạt động của mình, đồng thời bạn có thể xóa hoặc tinh chỉnh nó từ đây.
7. Chỉ dành cho bạn:
Nếu có bài viết nào bạn chỉ muốn mình bạn xem được trên Timeline của mình, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn thuộc tính “Only Me”.
8. Có thể tạo các sự kiện về cuộc sống:
Facebook đang hi vọng người dùng đưa lên Timeline nhiều thông tin từ trước khi mạng xã hội này được ra mắt. Bất cứ thông tin nào đưa vào Timeline giờ đây có thể đưa thêm cả ngày tháng, ví dụ khi người dùng đưa lên một tấm ảnh cũ, họ hoàn toàn có thể chọn thời điểm cho tấm ảnh, ví dụ vào năm 1995, và như thế nó sẽ được xếp theo niên đại trên giao diện Timeline.
9. Cần sớm điều chỉnh thông tin cá nhân:
Facebook sẽ sớm đưa Timeline cho toàn bộ người dùng của mình, do vậy dù muốn hay không thì bạn cũng nên dành thời gian để tinh chỉnh lại những thông tin sẽ xuất hiện trên trang cá nhân để chắc chắn khi được kích hoạt thì bạn chỉ cho phép bạn bè xem được những thông tin nào bạn muốn.