Sau hơn 2 tháng sử dụng giao diện Timeline của Facebook, biên tập viên Kristin Burnham của CIO.com chuyển lại dùng giao diện cũ vì cảm thấy khó chịu với một số điểm ở giao diện này.
Nhiều người hào hứng với giao diện Timeline của Facebook, nhưng cũng có không ít những người khó chịu với nó. Biên tập viên Kristin Burnham của CIO.com là một trong những người như vậy. Dưới đây là nội dung bài viết của tác giả này về những điểm phiền toái ở Timeline.
Khi mới chuyển sang Timeline, tôi thực sự có những ấn tượng tốt ban đầu. Tôi nghĩ thiết kế Timeline đẹp và hiện đại. Việc người dùng có thể tự đưa một tấm ảnh lớn của mình vào làm “ảnh bìa”, trong đó có thể lồng một bức ảnh nhỏ hơn khiến tôi cảm thấy thích. Trong một thời gian ngắn, tôi thấy việc xem lại các nội dung mình đăng từ năm 2004 cũng khá hay ho.
Nhưng sự hứng khởi đó không kéo dài được lâu. Ngược lại, có 3 lý do sau khiến tôi thấy thất vọng.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg giới thiệu giao diện Timeline (Ảnh: techteria.com)
Cơn ác mộng về tính riêng tư
Tôi tham gia Facebook từ trong trường đại học mà không mảy may nghĩ rằng, một ngày nào đó cha mẹ của tôi (và các ông chủ tương lai) cũng sẽ sử dụng nó. Với Timeline, giờ đây mọi người có thể xem, tìm kiếm mọi bài viết, nội dung cũ của bạn, từ ngày đầu tiên bạn tham gia Facebook. Bạn có một tuần để ẩn mọi nội dung không muốn hiển thị, nhưng làm điều đó không dễ. Phương pháp của Facebook khiến bạn thường là chọn tất cả hoặc bỏ chọn tất cả, trừ phi bạn sẵn sàng tốn thời gian cho công việc chán ngắt là thiết lập tính riêng tư cho từng mẩu nội dung mà bạn đã chia sẻ.
Lộn xộn và rối rắm
Có lẽ điều gây phiền toái lớn nhất đối với tôi là cảm giác thiết kế Timeline lộn xộn và rườm rà sau khi sử dụng thường xuyên.
Trước đây, tôi chỉ cần liếc qua là có thể nắm bắt được các nội dung mới nhất trên tường (wall) của mình mà không cần phải cuộn xuống quá nhiều. Nay thì phải di chuyển qua các nội dung cũ và chúng sẽ dẫn bạn đi mãi mới tới được chỗ cần đến.
Bạn sẽ thấy rằng Facebook rất coi trọng ấn tượng thị giác của giao diện mới. Riêng tấm “ảnh bìa” và thông tin cá nhân đã chiếm một nửa không gian hiển thị trên trình duyệt ở chế độ toàn màn hình. Các bức ảnh bạn đăng lên và nội dung các link chia sẻ cũng choán chỗ hơn trước nhiều. Những điều đó khiến giao diện mới tạo cảm giác bừa bộn.
Một điểm nữa của thiết kế khiến tôi khó chịu là vị trí các bài cứ "nhảy nhót" từ bên trái sang bên phải khi bạn đăng nội dung mới. Mặc dù giao diện mới có tên là “Timeline” (dòng thời gian), nhưng nó lại cho cảm giác không được sắp xếp liền mạch.
Thú vị lúc đầu, nặng nề về sau
Lần đầu tiên dùng Timeline, tôi duyệt thẳng tới các bài đăng từ năm 2004-2005. Mặc dù có một số nội dung khiến tôi hơi mắc cỡ khi hồi tưởng, nhưng tôi thấy thú vị với những kỷ niệm. Tuy nhiên, điều đó chỉ kéo dài khoảng 1 tuần.
Sau đó, tôi tự hỏi "Còn gì nữa?". Tôi vọc vạch với “ảnh bìa”, xem lại và tỉ mẩn chọn ẩn các bài cũ. Và không còn gì nữa. Tính mới lạ của Timeline đã hết, tôi trở lại sử dụng giao diện thông thường, nhưng với một sự thay đổi trong suy nghĩ.
Tôi nhận thấy, kể từ khi chuyển sang Timeline, tôi ngày càng muốn tránh giao diện này của Facebook. Tôi không hề muốn điền vào thông tin về các sự kiện liên quan đến cuộc sống của mình trong quá khứ, như Facebook muốn thế. Và tôi không muốn dùng giao diện này chút nào nữa.
Bạn không thể tránh Timeline mãi mãi, nhưng bạn có thể giữ giao diện hiện tại của bạn cho đến khi Facebook bắt buộc bạn chuyển đổi. Đó là điều tôi muốn làm.
Còn bạn, cảm nhận của bạn với Timeline như thế nào?